Post by Admin on Sept 23, 2020 23:32:16 GMT -6
1. Ả Chàng (hay Ngọc Trinh Công Chúa)
Ngọc Trinh cũng tức là Lê Ngọc Trinh hay Ả Chàng. Hai tên gọi đầu có lẽ là do người đời sau kính cẩn đặt cho, chứ tên gọi phổ biến nhất vẫn là Ả Chàng. Theo thần tích ở đền Lũng Ngoại (cũng tức là đền Lũng Ngòi, nay thuộc xã Lũng Hoà, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) thì Ả Chàng là em ruột của Ả Chạ (còn có tên khác là Ngọc Thanh). Hai chị em cùng nổi tiếng xinh đẹp và khoẻ mạnh.
Cha mẹ chẳng may nối nhau qua đời sớm, Ả Chạ vì có nhan sắc hơn người nên bị quan đô hộ ở địa phương bắt về làm thiếp và sau đó chưa được bao lâu thì mất, Ả Chàng tức giận, tập hợp lực lượng để chống quan lại nhà Hậu Hán. Binh sĩ Tô Định hễ đi qua khu vực Lũng Ngoại thì thế nào cũng sẽ bị Ả Chàng bất ngờ tấn công. Giặc phải bao phen thất trận, lòng rất oán ức nhưng chưa biết đối phó bằng cách nào.
Khi được tin Hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa ở Hát Môn, Ả Chàng liền đem quân theo về. Nhờ lập được nhiều công lao nên sau khi dẹp yên Tô Định, Ả Chàng được Trưng Nữ Vương phong làm Công Chúa, chức Đại Tướng. Khi Mã Viện đem quân sang đàn áp, Ả Chàng đã chỉ huy cuộc chiến đấu rất dũng cảm tại Gò May (nay cũng thuộc xã Lũng Hoà, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Tương truyền, có lần đang hăng hái xông trận thì thanh gươm bị rơi, Ả Chàng liễn cởi ngay dải thắt lưng, cột đá vào một đầu để làm vũ khí, vung lên đánh cho cả đám giặc đông phải hoảng sợ mà bỏ chạy tán loạn. Nhưng rồi sức tàn lực kiệt, Ả Chàng đành phải nhảy xuống đầm sen lớn ở Gò May mà tuẫn tiết. Năm đó Ả Chàng 20 tuổi. Nhân dân địa phương đã cùng nhau tôn tập đền thờ Ả Chàng tại Lũng Ngoại như đã nói ở trên.
2. Ả Nang Công Chúa và chồng là Hùng Bảo Hộ Quốc Công
Ả Nang cũng tức là Trần Nang. Đầu Công nguyên, do quan đô hộ của nhà Hậu Hán là Tô Định quá tham lam và tàn ác nên ai ai cũng đều oán hận. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ, trong đó, lớn mạnh nhất là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Theo thần tích ở đền Tuyền Liệt (nay thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc) thì lúc bấy giờ, Ả Nang đã cùng chồng là Hùng Bảo tập hợp được trên hai trăm người và chia làm hai đội quân, tình nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ của Hai Bà Trưng. Sau khi đánh đuổi được Tô Định, Trưng Nữ Vương phong cho Hùng Bảo làm Hộ Quốc Công còn Ả Nang được phong làm Công Chúa. Hai người cùng nhau về lại đất Tuyền Liệt và tổ chức khai hoang mở mang điền sản. Lúc Mã Viện đem quân sang đàn áp, cả hai vợ chồng Hùng Bảo và Ả Nang đã nhận lệnh Trưng Nữ Vương, trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn, gây cho giặc nhiều tổn thất nặng nề. Nhưng sau khi Trưng Nữ Vương thua trận ở Lãng Bạc, Hùng Bảo và Ả Nang cũng phải chịu thất bại. Hai vợ chồng đã anh dũng hi sinh ở khu vực cách Tuyền Liệt không xa lắm.
3. Bát Nàn Công Chúa
Theo truyền thuyết dân gian vùng Phú Thọ thì Bát Nàn còn có tên khác là Thục Nương, người trang Phượng Lâu (nay là xã Phượng Lâu, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ). Theo thần tích xã Phượng Lâu thì Bát Nàn là người nổi tiếng nết na và xinh đẹp. Lớn lên, Bà được gia đình hứa gả cho một chàng trai người cùng trang Phượng Lâu.
Thái Thú Tô Định nghe tiếng Bà, bèn sai người tới hỏi Bà làm thiếp. Bị từ chối, Tô Đinh liền bí mật giết chết cha Bà và sai quân đến tận trang Phượng Lâu để bắt Bà về cho mình. Vì quá uất ức, Bát Nàn đã chém chết khá nhiều quân sĩ của Tô Định rồi chạy về trang Tiên La (nay cũng thuộc huyện Phong Châu). Ở đấy, nhờ được sự ủng hộ của nhân dân nên Bát Nàn đã tổ chức lực lượng vùng dậy chống ách đô hộ của nhà Hậu Hán.
Năm 40, khi vừa phát động khởi nghĩa, nghe tin Bát Nàn cũng là người cùng chí hướng với mình lại đang có sẵn lực lượng trong tay. Hai Bà Trưng liền cho người tới mời hợp sức. Bát Nàn đã đồng ý và kể từ đó, Bà đã từng trải bao phen trực tiếp cầm quân tả xung hữu đột, đánh cho quân đô hộ Hậu Hán thất điên bát đảo. Nhờ có công lớn, Bà được Trưng Nữ Vương phong Công Chúa, chức Đại Tướng và được trao quyền chỉ huy quân tiên phong đóng tại trang Tiên La. Khi Mã Viện đem quân sang đàn áp, Bát Nàn đã chiến đấu rất anh dũng. gây cho địch những tổn thất rất lớn, nhưng rồi vì thua kém cả về thế lẫn lực. Bát Nàn đã buộc phải thua trận và tuẫn tiết ngay tại trang Tiên la.
4. Đào Nương Công Chúa
Đào Nương Công Chúa cũng tức là Đề Nương Công Chúa hay Hồ Đề, người trang Đông Cao (nay thuộc xã Đông Cao, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc), sau di cư đến động Lão Mai (nay cũng thuộc huyện Mê Linh). Theo thần tích ở trang Đông Cao thì Đào Nương là người nổi tiếng xinh đẹp và võ nghệ cao cường, chưa đầy hai mươi tuổi đã có thể thuần phục được lũ ngựa bất kham và bắt sống được cả voi trắng chéo ngà rất hung dữ ở động Lão Mai.
Nhân lòng oán giận của nhân dân đối với chính quyền đô hộ nhà Hậu Hán, lại thù Tô Định đã giết hại cha mình, Đào Nương đã rời trang Đông Cao đến cư ngụ ở động Lão Mai. Tại đây, được nhân dân động Lão Mai và các vùng lân cận hết lòng ủng hộ, Đào Nương đã tập hợp lực lượng để cùng nhau đánh đuổi quân đô hộ. Nghĩa quân Đào Nương từng đánh cho Tô Định nhiều trận hiểm hóc, khiến cho Tô Định rất căm tức.
Đến năm 40, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng. Đào Nương đã đem quân theo về. Nhờ giàu tài năng và lòng dũng cảm hiếm thấy, Đào Nương được Trưng Nữ Vương phong làm Đào Nương Công Chúa và trao chức Phó Nguyên Soái. Sau khi Trưng Nữ Vương qua đời, Đào Nương Công Chúa vẫn còn tiếp tục cầm quân chiến đấu thêm một thời gian nữa. Một hôm. Đào Nương Công Chúa bí mật về thăm mộ Trưng Nữ Vương, chẳng ngờ bị Mã Viện phát hiện và truy đuổi ráo riết. Đào nương Công Chúa phóng ngựa chạy mãi đến sồng Nguyệt Đức (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) rồi tuẫn tiết ở đó.
5. Lê Chân Công Chúa
Theo ghi chép của thần tích đền Nghè ở An Biên (nay thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) thì Lê Chân vốn quê ở vùng nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Cha mẹ bị Tô Định hãm hại nên Lê Chân đã phái uất hận bỏ xứ mà đến đất An Biên. Chính Lê Chân là người đã đứng ra tổ chức khai hoang và lập ra làng này vào năm Bà mới 19 tuổi.
Cũng tại An Biên, Lê Chân đã lập ra đội dân binh gồm đủ cả nam lẫn nữ. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ cho dân làng, đội dân binh An Biên còn chủ động tổ chức những trận tấn công rất bất ngờ vào lực lượng quân đô hộ. Tô Định rất tức tối nhưng cũng tỏ ra rất lúng túng trong kế sách đối phó. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Lê Chân đã đem toàn bộ quân sĩ của mình theo về. Năm ấy Bà mới 22 tuổi. Quân giặc rất sợ tài thao lược của Bà, chúng gọi Bà là Đông Hải Kình Ngư (con cá kình của biển Đông). Lê Chân là một trong những nữ tướng xuất sắc của Hai Bà Trưng, được Trưng Nữ Vương phong làm Lê Chân Công Chúa. Và, cũng như hầu hết các tướng lĩnh khác của Hai Bà Trưng, Lê Chân Công Chúa đã anh dũng hi sinh trong khi đang chiến đấu chống cuộc đàn áp tàn khốc của Mã Viện.
6. Lê Thị Hoa
Một lần nữa, họ và tên đầy đủ của vị nữ tướng này có lẽ là do hậu thế (những người soạn thảo thần tích) đã tự ý thêm vào. Theo ghi chép của thần tích đền Thượng Linh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) thì Lê Thị Hoa sinh trưởng tại đây. Năm 19 tuổi, Bà kết hôn với một chàng thanh niên cùng quê, nổi tiếng có tài, tên là Mai Tiến. Sau 11 năm chung sống với Mai Tiến, Bà đã sinh hạ được tất cả bốn người con trai, dẫu vậy, nhan sắc của Bà vẫn rất mặn mòi. Tô Định biết được liền gọi chồng Bà ra tận Gia Lâm trao cho chức quan để dễ bề chiếm đoạt Bà. Không thể từ chối được, Mai Tiến buộc phải đi nhận chức nhưng ra đến nơi thì bị Tô Định lập mưu đẩy vào chỗ phải phạm tội rồi bị giết. Lê Thị Hoa liền dẫn cả 4 người con vào trú ngụ ở khu vực nay là thôn Ngũ Kiện, xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, anh Thanh Hóa. Tại đây, Bà đã ra sức tổ chức khẩn hoang lập làng và không ngừng chiêu mộ lực lượng để chờ cơ hội trả thù cho chồng.
Khi Bà đang tổ chức khẩn hoang tại khu vực nay thuộc Nga Sơn thì ở Hát Môn, Hai Bà Trưng cũng chính thức phát động khởi nghĩa. Cơ hội trả thù cho chồng đã đến, Bà liễn đem toàn bộ lực lượng của mình gồm trên 2.000 người ra Bắc hăng hái tham gia. Sau khi đánh đuổi được Tô Định, Bà từ chối mọi hình thức khen thưởng của Trưng Nữ Vương, chỉ xin trở lại với vùng Nga Sơn để tiếp tục tổ chức khẩn hoang. Năm 43, Mã Viện đem đại binh sang đàn áp. Một lần nữa, Bà lại đem lực lượng của mình ra chống trả rất quyết liệt. Nhưng, bức thành nhỏ chẳng thể nào ngăn nổi cơn bão lớn, nghĩa binh của Bà đã phải chịu thất bại và Bà đã anh dũng hi sinh tại Nga Sơn – quê hương thứ hai của mình. Hiện nay, ở xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn còn có đền thờ Bà với đôi câu đối phản ánh rất rõ lí tưởng của Bà :
Thệ báo Tô cừu, thanh Bắc khấu.
Nghĩa phù Trưng chủ, phục Nam bang.
Nghĩa là :
Thề trả mối thù với Tô Định, trừ khử giặc Bắc,
Giữ nghĩa phò Trưng Vương, khôi phục nước Nam..
7. Nái Sơn (hay An Bình Công Chúa)
Theo thần tích đền Liễn Sơn (nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) thì Nái Sơn còn có tên khác là nàng Quý Loan. Nàng vốn quê ở khu vực nay thuộc huyện Chí Linh (tỉnh Hải Dương), sau mới di cư đến trang Tinh Luyện (nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Nái Sơn nổi tiếng xinh đẹp, nết na, hiểu biết nhiều và rất khoẻ mạnh, lại giỏi võ nghệ.
Nghe tin Hai Bà Trưng đang chiêu mộ lực lượng để chuẩn bị khởi nghĩa đánh đuổi quân đô hộ nhà Hậu Hán, Nái Sơn đã hồ hởi vượt đường xa dặm dài tìm đến Mê Linh. Tại đây, Nái Sơn dược Hai Bà Trưng tiếp đãi rất ân cần và sau đó là kết nghĩa làm chị em. Hai Bà đã giao cho Nái Sơn chiêu dụ các bậc hào kiệt và tuyển mộ quân sĩ. Tương truyền Nái Sơn đã mời gọi dược bốn bậc hào kiệt và đã tuyển mộ được 500 nghĩa dũng. Trước khi khởi nghĩa, Hai Bà Trưng đã tin cậy trao cho Nái Sơn chức Nội Thị Tướng Quân, ngày đêm hầu cận Hai Bà. Sau khi Tô Định bị nghĩa quân ta đánh cho tan tác, chính Trưng Nữ Vương đã đứng ra tác hợp cho Nái Sơn với Đinh Tướng Quân nên vợ nên chồng, tình chị em kết nghĩa nữa Nái Sơn với Trưng Nữ Vương vì thế mà càng trở nên sâu sắc. Bấy giờ, Nái Sơn được Trưng Nữ Vương phong làm An Bình Công Chúa.
Lúc Mã Viện đem quân tới đàn áp, Nái Sơn đã sát cánh chiến đấu bên cạnh Trưng Nữ Vương ở Lãng Bạc rồi ở Cấm Khê và tương truyền, Nái Sơn là người đã chôn cất Trưng Nữ Vương trước khi đến lượt mình tuẫn tiết vì nước. Đến thờ Nái Sơn được dựng lên ở hầu khắp các địa phương Nái Sơn từng sống và chiến đấu.
8. Nàng A (hay Khâu Ni Công Chúa)
Trong số các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, có một nữ tướng rất đặc biệt, đó là Nàng A – vị nữ tướng vốn xuất thân là một nhà tu hành theo Phật giáo. Theo thần tích ở đền Nhật Chiêu (nay thuộc huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) thì Nàng A vốn là một cô gái xinh đẹp và rất chịu thương chịu khó (theo tờ thần tích này, Nàng A cũng có khi được chép là Quách A).
Bấy giờ, bọn tay sai nhà Hậu Hán định bắt Nàng A dâng nạp cho quan đô hộ để lấy thưởng, Nàng A đành bỏ làng vào núi để tu, cũng là để tạm lánh bọn ác quỷ. Từ đó, Nàng A có đạo hiệu là Ni cô Khâu Ni. Nơi Ni cô Khâu Ni tu hành nay chính là chùa Huyền Cổ. Vào thời ấy, quân đô hộ thi nhau ức hiếp dân lành, chúng tàn ác chưa từng thấy, người người đều oán giận, đến cả bậc tu hành từ bi như Khâu Ni cũng không thể nào chịu đựng nổi. Khâu Ni liền bí mật tập hợp những người giàu lòng yêu nước và quyết tâm giết giặc để sẵn sàng chờ cơ hội vùng lên.
Được tin Hai Bà Trưng cũng đang ráo riết chuẩn bị lực lượng cho một cuộc khởi nghĩa lớn, Khâu Ni lập tức đem toàn bộ lực lượng của mình về ra mắt Hai Bà. Hai Bà Trưng rất vui mừng, liền phong cho Khâu Ni làm Tả Tướng. Và, chính Tả Tướng Khâu Ni là một trong những vị tướng có công rất lớn trong trận đánh quyết định vào thành Luy Lâu (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), khiến cho tướng giặc là Tô Định bị đại bại, phải vất bỏ ấn tín, cạo râu, cạo tóc mà tháo chạy về Trung Quốc. Nhờ công lao này, Nàng được Trưng Nữ Vương phong làm Khâu Ni Công Chúa và cho được cai quản vùng đất nay tương ứng với Yên Lạc (Vĩnh Phúc).
Nhưng, sau ngày đại thắng chưa được bao lâu thì Khâu Ni Công Chúa đã lâm bệnh rồi qua đời. Để khắc ghi công trạng và ân đức của Khâu Ni Công Chúa, nhân dân ở nhiều địa phương nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã lập đền thờ Bà.
9. Nàng Nội (hay Bạch Hạc Thuỷ Công Chúa)
Theo thần tích đền Minh Nông (còn có tên gọi khác là đền Kẻ Lú), xã Minh Phương, huyện Hạc Trì (nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thì Nàng Nội là cháu gọi Thi Sách (chồng của Trưng Trắc) bàng chú ruột. Vì căm giận ách thống trị tàn bạo của quân đô hộ nhà Hậu Hán, thân sinh của Nàng Nội và Thi Sách dự tính sẽ tổ chức nhân dân nổi dậy đấu tranh, nhưng vì kế hoạch bị bại lộ nên cả hai anh em đều bị Tô Định giết hại. Để tránh sự trả thù, hai mẹ con Nàng Nội buộc phải tạm lánh sang phía hữu ngạn sông Hồng. Nhưng, đến đó chưa được bao lâu thì thân mẫu của Nàng Nội cũng vì lo lắng và buồn rầu nên đã qua đời.
Khi nghe tin Hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa, Nàng Nội đã hăm hở xin theo. Nhờ dũng cảm, mưu trí và có tài tổ chức. Nàng Nội nhanh chóng được Hai Bà Trưng tin cậy, giao cho chỉ huy một lực lượng khá lớn. Binh lính dưới quyền chỉ huy của Nàng Nội đã đánh thắng giặc nhiều trận lớn ngay tại quê hương của mình, khiến chúng phải kính nể gọi Nàng Nội là “Nữ thần Bạch Hạc”. Dưới thời Trưng Nữ Vương, Nàng Nội được phong làm Nhập Nội Bạch Hạc Thuỷ Công Chúa và được Trưng Nữ Vương tin cậy giao phó nhiều trọng trách khác nhau trong triều đình. Truyền thuyết vùng Bạch Hạc kể rằng chính Nàng Nội đã có vinh dự được cùng với Trưng Nhị chỉ huy việc xây dựng khá nhiều thành luỹ tại khu vực Bạch Hạc.
Khi Mã Viện đem quân sang đàn áp, Nàng Nội là tướng chỉ huy quân đội của Trưng Nữ Vương ở khu vực Bạch Hạc. Bà đã chiến đấu rất ngoan cường và gây cho giặc rất nhiều tổn thất nặng nề nhưng cuối cùng cũng đành phải chịu thất bại. Bà đã anh dũng hi sinh tại Bạch Hạc lúc tuổi đời mới vừa đôi mươi. Để mãi mãi tôn vinh và ghi nhớ công đức to lớn của Bà, nhân dân địa phương đã cùng nhau lập đền thờ Bà tại Minh Nông.
10. Nàng Nước (hay Trung Dũng Đại Tướng Quân)
Theo thần tích đền Hoàng Xá (nay thuộc xã Kiêu Kị, huyện Gia Lâm, Hà Nội) thì Nàng Nước là con của một Ni cô, thế danh là Đào Nương. Đào Nương vốn quê ở làng Kiệt Đặc (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Vì Đào Nương chẳng may mất ngay khi Nàng Nước vừa mới chào đời, cho nên, Nàng Nước được một người phụ nữ tốt bụng ở làng Hoàng Xá đem về nuôi dưỡng. Bà chính là người phụ nữ đã tìm thày truyền dạy cho Nàng Nước tinh thần thượng võ và ý chí đánh đuổi quân xâm lăng, giành lại độc lập cho đất ước Khi Nàng Nước vừa đến tuổi trưởng thành thì mẹ nuôi cũng qua đời. Bấy giờ, đất nước điêu linh, dân tình khốn khổ, quân đô hộ nhà Hậu Hán thì tác oai tác quái khắp nơi.
Nhân lòng người oán hận sục sôi, Nàng Nước đã kêu gọi nhân dân cầm vũ khí đánh đuổi quân thù. Khi Hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa, Nàng Nước liền đem toàn bộ lực lượng của mình về hợp sức với Hai Bà để cùng chống kẻ thù chung. Nhờ can đảm và mưu lược, Nàng Nước đã liên tiếp lập được nhiễu công lao, do đó, được chính quyền Trưng Nữ Vương phong làm Trung Dũng Đại Tướng Quân.
Khi Mã Viện đem đại binh tới đàn áp, Nàng Nước đã sát cánh chiến dấu liên tục bên cạnh Hai Bà Trưng, từng có mặt trong trận ác chiến ở Lãng Bạc rồi sau đó lại có mặt trong trận ác chiến thứ hai ở Cấm Khê. Cuối cùng, vì quân tan thế yếu. Nàng Nước đã tuẫn tiết cùng với Hai Bà Trưng tại Cấm Khê.
11. Nàng Quỳnh (hay Quỳnh Nương Công Chúa) và Nàng Quế (hay Quế Nương Công Chúa)
Theo thần tích Miếu Cây Quân và Miếu Cây Sấu (nay thuộc huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang) thì Nàng Quỳnh và Nàng Quế là hai chị em sinh đôi, cả hai đều rất khoẻ mạnh và xinh đẹp. Lúc mới hơn mười tuổi, hai chị em đã rất giỏi cung kiếm.
Bấy giờ, nhân dân khắp cõi đều rất thống khổ bởi ách thống trị tham lam và tàn bạo của nhà Hậu Hán, ai ai cũng chỉ chờ có cơ hội thuận tiện để cùng nhau vùng dậy đánh đuổi quân thù. Lúc bấy giờ, ngay trên quê nhà của Nàng Quỳnh và Nàng Quế cũng có một cuộc khởi nghĩa nhỏ do một người con gái tên là Nàng Xuân phát động và lãnh đạo. Cả hai nàng đã cùng hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa này.
Khi Hai Bà Trưng kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đổ chính quyền Tô Định, Nàng Xuân đã cùng với Nàng Quỳnh và Nàng Quế hồ hởi dẫn quân theo về. Nàng Quỳnh và Nàng Quế đã chiến đấu rất gan dạ, lập được nhiều công lao, được Trưng Nữ Vương phong làm Công Chúa, Tiên Phong Phó Tướng (Chánh Tướng lúc ấy là Công Chúa Thiều Hoa).
Lúc triều đình nhà Hậu Hán sai Phục Ba Tướng Quân Mã Viện đem đại binh sang đàn áp, cùng với Công Chúa Thiều Hoa, Nàng Quỳnh và Nàng Quế đã được Trưng Nữ Vương giao trách nhiệm chỉ huy một lực lượng quân sĩ đánh giặc ở khu vực Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Tại đây, cánh quân của Nàng Quỳnh và Nàng Quế đã chiến dấu rất ngoan cường và đã liên tiếp gây cho Mã Viện những tổn thất rất to lớn. Theo lời kể của truyền thuyết dân gian thì sau đó, Nàng Quỳnh và Nàng Quế đã anh dũng hi sinh nhưng chưa rõ là ở vị trí cụ thể nào.
12. Nàng Trăng (hay Nguyệt Điện Công Chúa)
Theo ghi chép của thần tích đền Tây Cốc (nay thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) thì Nàng Trăng là một cô gái đẹp người và đẹp nết, khoẻ mạnh và linh lợi, võ nghệ cao cường và lắm cơ mưu, thiên hạ khó ai bì kịp. Với người nghèo khổ và bị ức hiếp, Nàng Trăng luôn sẵn lòng che chở, với kẻ bất nhân và bạc ác, Nàng Trăng quyết không dung tha. Tuổi tuy còn rất trẻ nhưng Nàng Trăng đã thực sự là chỗ dựa tin cậy của dân cả một vùng rộng lớn. (Trong tờ thần tích nói trên, cũng có chỗ chép Nàng Trăng là Đàm Ngọc Nga. Nhưng họ và tên đầy đủ này ắt hẳn là do hậu thế vì yêu kính mà tự ý đặt cho).
Bấy giờ, quan đô hộ của nhà Hậu Hán là Tô Định khét tiếng tham lam và tàn bạo, dân khắp cõi phải chịu cảnh lầm than, Nàng Trăng ngày đêm lo nghĩ cách cứu giúp dân lành. Nàng tự mình chiêu tập được trên hai trăm tráng sĩ, hễ nơi đâu có tiếng kêu oan là lập tức nàng có mặt để trừng trị kẻ ác.
Được tin Hai Bà Trưng dựng cờ xướng nghĩa ở Hát Môn. Nàng Trăng liền đem tất cả tráng sĩ của mình về với Hai Bà. Nàng được Hai Bà tin cậy, phong làm Tiền Đạo Tả Tướng Quân, lại ban cho hiệu là Nguyệt Điện. Nàng Trăng và đội quân do Nàng chỉ huy đã chiến đấu rất dũng cảm. góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cuộc khởi nghĩa. Nhưng rất tiếc là sau ngày đại thắng, Nàng Trăng đã lâm bệnh và qua đời. Để bày tỏ lòng đặc biệt kính trọng và thương tiếc không nguôi, nhân dân các địa phương nay thuộc hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã xây dựng khá nhiều đền thờ Nàng Trăng.
13. Nàng Xuân (hay Đông Cung Công Chúa)
Theo thần tích đền Kẻ Xoan (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) thì Nàng Xuân vốn là con gái của Châu Mục châu Đại Man. Đất quê hương Bà nay là huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Bà là người có khi chất mạnh mẽ, giỏi võ nghệ và cương trực hơn người.
Dưới ách đô hộ tàn bạo của Thái Thú Tô Định, Bà là một trong những người đầu tiên đã thành lập dân binh và kêu gọi nhân dân vùng dậy đấu tranh. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Nàng Xuân đã đem toàn bộ lực lượng của mình (trong đó có hai nữ tướng xuất sắc là Nàng Quỳnh và Nàng Quế) theo về. Nàng Xuân được Hai Bà Trưng tin cậy, giao quyền chỉ huy các lực lượng nghĩa binh đóng ở khu vực tỉnh Phú Thọ ngày nay. (Nhiều người cho rằng, do kiêng kị chữ Xuân – tên của Nàng Xuân hay Xuân Nương, mà dân Phú Thọ thường nói trại chữ xuân thành chữ xoan).
Nhờ có rất nhiều công lao, Nàng Xuân được Trưng Nữ Vương phong làm Đông Cung Công Chúa, chức Nhập Nội Trưởng Quản Quân Cơ. Trong trận ác chiến chống cuộc đàn áp tàn khốc của quân Mã Viện, Nàng Xuân đã anh dũng hi sinh tại khu vực nay thuộc tỉnh Phú Thọ.
14. Ông Cai
Theo thần tích Miếu Mèn (ở làng Nam Nguyễn, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây – tức quê ngoại của Hai Bà Trưng) thì ông Cai là một người đàn ông rất mạnh khoẻ, có khí khái, giàu lòng yêu nước và rất giỏi võ nghệ. Cũng như hầu hết người đương thời, ông rất căm giận quân đô hộ nhà Đông Hán.
Năm 40, khi nghe tin Hai Bà Trưng truyền hịch kêu gọi cả nước cầm vũ khí đứng dậy đánh đuổi Tô Định, ông Cai đã hăng hái tham gia. Chính ông đã tập hợp được 300 trai tráng, lập thành một đơn vị có đội ngũ rất chỉnh tề. Nhưng, khi tự mình tìm đến đại bản doanh của Hai Bà để liên hệ trước, thấy từ lãnh tụ đến tướng lĩnh cao cấp và đông đảo quân sĩ đều là đàn bà con gái, vì thế, ông hạ lệnh cho tất cả nghĩa dũng của mình đều phải hóa trang thành… con gái !
Đội quân của ông Cai đã chiến đấu rất dũng cảm và lập được nhiều công lao, nhưng, phải mãi đến khi toàn thắng, ông Cai mới khai rõ sự thật và đến lúc bấy giờ, Hai Bà Trưng mới biết đó là đội quân… giả gái. Mặc dầu vậy, Trưng Nữ Vương vẫn rất khen ngợi và phong cho ông Cai đến chức Đại Tướng. Sau, ông Cai đã hi sinh trong cuộc chiến đấu chống lực lượng đàn áp của Mã Viện.
15. Thánh Thiên Công Chúa
Thần tích đình Ngọc Lâm (nay đình này thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) cho hay : Thánh Thiên Công Chúa còn có biệt danh là Nàng Chủ. Nàng Chủ có cá tính rất mạnh mẽ và cũng là người rất có uy, tuy chỉ mới mười sáu tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng dân làng ai cũng đều nể phục, đã đồng lòng tôn Nàng làm Nữ Chủ và tặng cho Nàng biệt danh là Nàng Chủ.
Bấy giờ, bọn đô hộ Hậu Hán rất tham tàn, ai ai cũng căm tức và chỉ trông chờ có cơ hội là vùng lên diệt thù. Hiểu được ý nguyện của dân, Nàng Chủ đã thành lập một đội quân khá lớn và truyền hịch khởi nghĩa. Quân đô hộ nhiều phen đến đàn áp (trong đó có lần do đích thân Tô Định chỉ huy) nhưng không thể nào tiêu diệt được nghĩa quân của Nàng, ngược lại, còn bị quân sĩ của Nàng đánh cho thất điên bát đảo. Bấy giờ, một vùng đất rộng lớn, trên đại thể là tương ứng với tỉnh Bắc Giang và một phần tỉnh Bắc Ninh ngày nay do Nàng Chủ nắm quyền chi phối.
Khi Hai Bà Trưng kêu gọi nhân dân cả nước vùng lên đánh đuổi Tô Định, Nàng Chủ đã đem lực lượng của mình theo về, thanh thế của Hai Bà Trưng vì thế mà nhanh chóng trở nên mạnh mẽ. Nàng Chủ được Trưng Nữ Vương phong làm Thánh Thiên Công Chúa và trao cho nhiều trọng trách.
Truyền thuyết kể rằng, khi Mã Viện đem đại binh nhà Hậu Hán sang đàn áp, chính Thánh Thiên Công Chúa đã chủ động đem lực lượng của mình tiến đến tận Hợp Phố để đánh chặn..Mã Viện vì thế chịu rất nhiều tổn thất. Sau, Thánh Thiên Công Chúa anh dũng hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chính quyền Trưng Nữ Vương. Hiện nay, Thánh Thiên Công Chúa được thờ chính ở đình Ngọc Lâm (Yên Dũng, Bắc Giang).
16. Thiều Hoa Công Chúa
Theo thần tích đền Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ) thì Thiều Hoa là người sinh trưởng ở sách Lăng Xương, trấn Hưng Hoá, sau mới chuyển đến định cư ở xã Hiền Quan (Lăng Xương nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ). Năm mười sáu tuổi, Thiều Hoa mồ côi cả cha lẫn mẹ và phải chịu cực khổ trăm bề, cơm chẳng bao giờ được no, áo chẳng bạo giờ được lành (bởi lẽ này, trong đền thờ Thiều Hoa thường có một cái rổ đựng vải vụn, ý muốn nhắc nhở về thời con gái khốn khổ của Thiều Hoa). Ngay từ lúc còn trẻ, Thiếu Hoa đã nổi tiếng gan dạ và rất có tài đi săn. Nhờ được một nhà sư tận tâm chỉ dạy nên chẳng bao lâu, Thiều Hoa đã rất giỏi võ nghệ, chẳng những đủ sức để có thể tự vệ mà còn có khả năng cứu giúp người khác. Dân làng ai ai cũng đều yêu quý Thiều Hoa.
Khi Hai Bà Trưng kêu gọi cả nước vùng lên. Thiều Hoa đã nhanh chóng tập hợp lực lượng và sau đó đã hăng hái đem hơn năm trăm nghĩa sĩ của mình theo về. Hai bà .Trưng liễn phong cho Thiều Hoa làm Tiên Phong Hữu Tướng và giao trách nhiệm chỉ huy trận đánh quyết định với giặc ở Luy Lâu. Thiều Hoa lập công lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung, vì lẽ đó, được Trưng Nữ Vương phong làm Đông Cung Công Chúa. Sau, Thiều Hoa Công Chúa anh dũng hi sinh trong trận ác chiến chống cuộc đàn áp của Mã Viện.