Post by long on Sept 10, 2020 15:18:40 GMT -6
MÃI MÃI ĐÀ LẠT
Phạm Công Thiện, những ngày tơi tả đói khát cô đơn chất ngất ở Đà Lạt, những ngày thơ mộng nhất đáng nhớ nhất của đời ông. Quán Cà phê 31, nằm giữa lòng thành phố cao nguyên, Đỗ Tư Nghĩa và tôi uống cà phê đen nóng, cho dù chẳng cần nóng cũng không hề lạnh lẽo. Qua cửa kính, ngó lên cây tháp nhà bưu điện, ngó lên nhà thờ có hình con gà trên chóp đỉnh, ngó xuống những mái nhà cao thấp lô nhô chập chùng. Mặt trước, vẫn là con đường Tự Đức thuở nào, hơn ba mươi năm tới nay mang tên Hồ Tùng Mậu. Cà phê 31 ở dưới dốc rẽ nghiêng xuôi của con đường.
Đỗ Tư Nghĩa và tôi tin rằng Phạm Công Thiện là người duy nhất sẽ viết rất hay, nghĩa là viết rất đúng, nhận ra chân dung đích thực của Đà Lạt. Phạm Công Thiện đã sống ở Đà Lạt trọn vẹn cuộc sống tuổi trẻ của nhà văn, một nhà văn bao gồm trong đó nhà triết học, nhà thơ. Nhà văn, ngôi nhà mở rộng cửa đón kẻ điên, người thất bại, trẻ côi cút, tật nguyền, hành khất vô gia cư, cô gái giang hồ, phụ nữ bất hạnh, những con người mộc mạc, những tâm hồn nghệ sĩ ở đời... Nhà văn đóng kín cửa trước những kẻ khôn ngoan, bọn hợm hĩnh, những tên bóng loáng mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, ma cô dẫn mối, những con buôn đủ mọi ngành nghề, những người đẹp đỏng đảnh hoa hòe hoa sói... Nhà văn đóng kín cửa cả với những ông thánh. Đỗ Tư Nghĩa đã liên hệ với chị Lê Khắc Thanh Hoài ở Mỹ, có thể chị sẽ chuyển thư của Đỗ Tư Nghĩa tới được Phạm Công Thiện, hình như bây giờ ông không muốn giao tiếp với ai. Bức thư sẽ chỉ có một dòng, nhắc Phạm Công Thiện viết về Đà Lạt, như lời ông hứa từ thuở nào. Như Robert Burns, William Saroyan với trái tim trên cao nguyên.
Đỗ Tư Nghĩa đã sống bốn mươi năm ở Đà Lạt, và sẽ sống ở đây tới chết. Tuổi thơ của tôi ở Đà Lạt, ga xép Đa Thọ, chiếc đèn bão nửa đêm, chuyến tàu dừng giữa hai bên rừng thông, quỳ dại. Rồi ở Sài Gòn, tôi về Đà Lạt bất cứ lúc nào có thể, nghĩa là những lúc mà không ai có thể. Mười ngày vừa qua, tôi ở Đà Lạt cùng rớt bão mưa lũ mấy tỉnh phía bắc miền Trung. Nhà thờ, thu lôi hình con gà trên thánh giá mù mịt trong mưa sớm mai, xẫm lạnh trong chiều. Đứng ngó nhà ga Đà Lạt, nhớ một thuở xưa, trước 30-4-1975. Huy Cường, chàng tài tử điện ảnh bụi đời, mở mắt thức dậy rủ đi uống cà phê. Tôi hỏi đi uống cà phê ở đâu, chàng đáp: À la gare! Tôi hỏi có tiền không, chàng đáp: À la ghi (sổ)! Trong nhà ga Đà Lạt có cái cân hàng hóa rất lớn, Huy Cường bảo giống hệt cái cân ở một nhà ga Paris, nơi chàng (tưởng tượng) đã tới! Bây giờ ngôi nhà ga Đà Lạt cứ bền vững chờ đợi một ngày không biết là ngày nào hoạt động. Có thể nói ngôi nhà ga đã chết, như chàng tài tử đẹp trai đã chết. Bởi vì xương sống, hệ thống đường ray móc xích tàu hỏa, bị người ta bóc gỡ từ lâu, dễ gì lắp đặt trở lại cho những chuyến tàu lên xuống dốc đồi.
Đà Lạt vẫn đẹp những dốc lên xuống, những lối quành cong. Vọng Nguyệt Lầu, cái quán thuở xưa, nghe tên biết ngay trăng gió phong tình, bây giờ vẫn nhô đầu ở khúc quành đường Tăng Bạt Hổ, đổ xuống dốc đường Trương Công Định, nhưng chẳng thấy đâu những người tình của Modigliani.
Tôi có một bài thơ từ năm hai mươi hai tuổi, về Đồi Cù Đà Lạt, bây giờ thấy như lời báo trước điềm gở:
Ở đây, đúng nơi đây, trên Đồi Cù /
Em đã nằm, đã vui đùa, lăn trở /
Và một loài cỏ rất lạ /
Vui đùa cùng em /
Cười vỡ ngực //
Tôi trở lại nơi này, đúng nơi này, trên Đồi Cù /
Tìm dấu vết xưa //
Nào có chi thay đổi /
Duy loài cỏ ấy /
Bây giờ /
Chẳng còn ai tìm thấy.
Đà Lạt đã mất Đồi Cù, bởi vì Đồi Cù từ nhiều năm nay đã kín cổng cao tường, là cõi riêng của giới nhiều tiền. Một sân gôn thượng thặng, một thứ cỏ Nhật Bản hay Đài Loan gì đó mướt láng một cách rất nhân tạo, nghĩa là giả tạo. Đồi Cù không còn là trái đồi mênh mông cho bất cứ ai lang thang, chơi đùa, nghỉ chân, ngả lưng, nằm dài trên cỏ. Dưới vô số những cây thông già thông non, đủ mọi loài hoa cỏ hoang dại thả sức mọc. Mùa nắng, ngỡ cỏ đã khô chết hết, một trận mưa đầu mùa, cỏ tươi thắm trở lại. Đà Lạt không còn Đồi Cù ấy, Đà Lạt mất một bài thơ.
Quán Thủy Tạ những ngày này đang sửa chữa, sơn trắng nhòa trong mưa, tôi nhớ miệng cười vẫn thắm tươi của Nguyễn Thị Hoàng, dẫu chị đã đi qua một ngàn lẻ một hạnh phúc đau khổ những ngày Đà Lạt. Tôi nhắc và chị còn nhớ, chàng trẻ tuổi gan dạ trên chiếc máy bay, xà xuống hồ Xuân Hương trao thư tình. Chẳng biết cô gái nào đấy có nhận được lá tâm thư của chàng không, lòng nước hồ sương ôm trọn chiếc máy bay với chàng tuổi trẻ. Phía bên kia, một quán cũng trên hồ, nhà hàng Thanh Thủy màu tím Huế. Tôi lại chợt nhớ ngôi nhà văn, để biết rằng, chỉ mở cửa duy nhất cho những bà Điềm Phùng Thị làm nên một thứ nghệ thuật điêu khắc đáng tôn quý, mở cửa cho những chân dung người nữ Lê Khắc Thanh Hoài, những ca sĩ Hà Thanh, những nữ sĩ Túy Hồng. Rồi đóng cửa.
Đỗ Tư Nghĩa vẫn ở Đà Lạt, tôi vẫn về Đà Lạt, thây kệ những thứ khỉ tiều hôm nay. Cái xã hội nhà nước hôm nay tạo ra vô số chuồng khỉ. Chúng tôi bảo nhau cố giữ cho mình đừng giống những con khỉ chính hiệu, dù phải ở trong chuồng khỉ. Họ cũng sức mấy triệt tiêu được một Đà Lạt có lịch sử đã trên một thế kỷ rồi. Mặc dù những đường phố núi uốn lượn mơ màng đã tràn ngập làn sóng văn minh xe gắn máy, chúng điên cuồng lấn lướt, chúng điên cuồng xô đẩy. Ông chủ quán cà phê Tùng đặc trưng Đà Lạt từ nửa thế kỷ qua, lên khỏi bậc cấp chợ Đà Lạt, bị chiếc xe gắn máy lao trên đường cướp đi bó hoa trên tay cùng sinh mạng. Mặc dù những sở hữu chủ mới của nhà cửa quán tiệm nhà nghỉ khách sạn những hộp cao tầng rất thực dụng xuẩn ngốc vô cảm vô tâm, nhà phố cũ Đà Lạt vẫn giấy rách giữ lấy lề. Chúng tôi biết, bà chủ quán cà phê Tùng nhất quyết giữ nguyên trạng quán cà phê linh hồn Đà Lạt.
Đà Lạt vẫn còn những khoảng vắng lặng để thành phố im lìm thức, ơ hờ ngủ. Đỗ Tư Nghĩa miệt mài gõ phím máy vi tính, tiếng lách cách vang vọng căn nhà gỗ, anh ở trọ, một mình. Một bản dịch nghiêm chỉnh, một cuốn tự truyện Osho. Cuộc đời của luận sư Rajneesh Chandra. Cuốn sách ra đời vào đúng năm anh sáu mươi tuổi, đối với Đỗ Tư Nghĩa, thế là quá đủ. Những vụ việc lươn lẹo, hành xử của bọn con buôn đã có từ thuở nào. Saroyan bảo, cái khả năng, động lực quơ tiền bạc vào túi luôn là điều rắc rối, đáng kinh tởm. Đỗ Tư Nghĩa đã không một lời lên tiếng đòi một con buôn trả mình một xu nhuận bút thù lao dịch thuật cuốn sách để đời. Anh lặng lẽ, co ro đi trên những nẻo phố mù sương giá băng Đà Lạt. Anh im lìm thức, ơ hờ ngủ cùng Đà Lạt. Anh không mảy may bận tâm tới bọn chúng, những con buôn, những nhà cầm quyền, những kẻ làm chính trị, những cán bộ văn nghệ, tất cả bọn chúng.
Chúng tôi chui vào căn nhà gỗ, uống rượu vang sản xuất tại Đà Lạt. Chúng tôi hỏi nhau, nếu Đà Lạt không có Phạm Công Thiện, Lê Trung Trang, Nguyễn Mùi đã từng sống ở đây, nếu không còn những đãng tử, những chàng gan dạ, liều lĩnh, những nhà văn nhà thơ họa sĩ đích thực sống ở đây, nếu không có họ, Đà Lạt sẽ ra sao nhỉ?
Nhưng Đà Lạt đã có một lịch sử ấy, Đà Lạt sẽ mãi mãi là Đà Lạt...
NGUYỄN ĐẠT
Phạm Công Thiện, những ngày tơi tả đói khát cô đơn chất ngất ở Đà Lạt, những ngày thơ mộng nhất đáng nhớ nhất của đời ông. Quán Cà phê 31, nằm giữa lòng thành phố cao nguyên, Đỗ Tư Nghĩa và tôi uống cà phê đen nóng, cho dù chẳng cần nóng cũng không hề lạnh lẽo. Qua cửa kính, ngó lên cây tháp nhà bưu điện, ngó lên nhà thờ có hình con gà trên chóp đỉnh, ngó xuống những mái nhà cao thấp lô nhô chập chùng. Mặt trước, vẫn là con đường Tự Đức thuở nào, hơn ba mươi năm tới nay mang tên Hồ Tùng Mậu. Cà phê 31 ở dưới dốc rẽ nghiêng xuôi của con đường.
Đỗ Tư Nghĩa và tôi tin rằng Phạm Công Thiện là người duy nhất sẽ viết rất hay, nghĩa là viết rất đúng, nhận ra chân dung đích thực của Đà Lạt. Phạm Công Thiện đã sống ở Đà Lạt trọn vẹn cuộc sống tuổi trẻ của nhà văn, một nhà văn bao gồm trong đó nhà triết học, nhà thơ. Nhà văn, ngôi nhà mở rộng cửa đón kẻ điên, người thất bại, trẻ côi cút, tật nguyền, hành khất vô gia cư, cô gái giang hồ, phụ nữ bất hạnh, những con người mộc mạc, những tâm hồn nghệ sĩ ở đời... Nhà văn đóng kín cửa trước những kẻ khôn ngoan, bọn hợm hĩnh, những tên bóng loáng mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, ma cô dẫn mối, những con buôn đủ mọi ngành nghề, những người đẹp đỏng đảnh hoa hòe hoa sói... Nhà văn đóng kín cửa cả với những ông thánh. Đỗ Tư Nghĩa đã liên hệ với chị Lê Khắc Thanh Hoài ở Mỹ, có thể chị sẽ chuyển thư của Đỗ Tư Nghĩa tới được Phạm Công Thiện, hình như bây giờ ông không muốn giao tiếp với ai. Bức thư sẽ chỉ có một dòng, nhắc Phạm Công Thiện viết về Đà Lạt, như lời ông hứa từ thuở nào. Như Robert Burns, William Saroyan với trái tim trên cao nguyên.
Đỗ Tư Nghĩa đã sống bốn mươi năm ở Đà Lạt, và sẽ sống ở đây tới chết. Tuổi thơ của tôi ở Đà Lạt, ga xép Đa Thọ, chiếc đèn bão nửa đêm, chuyến tàu dừng giữa hai bên rừng thông, quỳ dại. Rồi ở Sài Gòn, tôi về Đà Lạt bất cứ lúc nào có thể, nghĩa là những lúc mà không ai có thể. Mười ngày vừa qua, tôi ở Đà Lạt cùng rớt bão mưa lũ mấy tỉnh phía bắc miền Trung. Nhà thờ, thu lôi hình con gà trên thánh giá mù mịt trong mưa sớm mai, xẫm lạnh trong chiều. Đứng ngó nhà ga Đà Lạt, nhớ một thuở xưa, trước 30-4-1975. Huy Cường, chàng tài tử điện ảnh bụi đời, mở mắt thức dậy rủ đi uống cà phê. Tôi hỏi đi uống cà phê ở đâu, chàng đáp: À la gare! Tôi hỏi có tiền không, chàng đáp: À la ghi (sổ)! Trong nhà ga Đà Lạt có cái cân hàng hóa rất lớn, Huy Cường bảo giống hệt cái cân ở một nhà ga Paris, nơi chàng (tưởng tượng) đã tới! Bây giờ ngôi nhà ga Đà Lạt cứ bền vững chờ đợi một ngày không biết là ngày nào hoạt động. Có thể nói ngôi nhà ga đã chết, như chàng tài tử đẹp trai đã chết. Bởi vì xương sống, hệ thống đường ray móc xích tàu hỏa, bị người ta bóc gỡ từ lâu, dễ gì lắp đặt trở lại cho những chuyến tàu lên xuống dốc đồi.
Đà Lạt vẫn đẹp những dốc lên xuống, những lối quành cong. Vọng Nguyệt Lầu, cái quán thuở xưa, nghe tên biết ngay trăng gió phong tình, bây giờ vẫn nhô đầu ở khúc quành đường Tăng Bạt Hổ, đổ xuống dốc đường Trương Công Định, nhưng chẳng thấy đâu những người tình của Modigliani.
Tôi có một bài thơ từ năm hai mươi hai tuổi, về Đồi Cù Đà Lạt, bây giờ thấy như lời báo trước điềm gở:
Ở đây, đúng nơi đây, trên Đồi Cù /
Em đã nằm, đã vui đùa, lăn trở /
Và một loài cỏ rất lạ /
Vui đùa cùng em /
Cười vỡ ngực //
Tôi trở lại nơi này, đúng nơi này, trên Đồi Cù /
Tìm dấu vết xưa //
Nào có chi thay đổi /
Duy loài cỏ ấy /
Bây giờ /
Chẳng còn ai tìm thấy.
Đà Lạt đã mất Đồi Cù, bởi vì Đồi Cù từ nhiều năm nay đã kín cổng cao tường, là cõi riêng của giới nhiều tiền. Một sân gôn thượng thặng, một thứ cỏ Nhật Bản hay Đài Loan gì đó mướt láng một cách rất nhân tạo, nghĩa là giả tạo. Đồi Cù không còn là trái đồi mênh mông cho bất cứ ai lang thang, chơi đùa, nghỉ chân, ngả lưng, nằm dài trên cỏ. Dưới vô số những cây thông già thông non, đủ mọi loài hoa cỏ hoang dại thả sức mọc. Mùa nắng, ngỡ cỏ đã khô chết hết, một trận mưa đầu mùa, cỏ tươi thắm trở lại. Đà Lạt không còn Đồi Cù ấy, Đà Lạt mất một bài thơ.
Quán Thủy Tạ những ngày này đang sửa chữa, sơn trắng nhòa trong mưa, tôi nhớ miệng cười vẫn thắm tươi của Nguyễn Thị Hoàng, dẫu chị đã đi qua một ngàn lẻ một hạnh phúc đau khổ những ngày Đà Lạt. Tôi nhắc và chị còn nhớ, chàng trẻ tuổi gan dạ trên chiếc máy bay, xà xuống hồ Xuân Hương trao thư tình. Chẳng biết cô gái nào đấy có nhận được lá tâm thư của chàng không, lòng nước hồ sương ôm trọn chiếc máy bay với chàng tuổi trẻ. Phía bên kia, một quán cũng trên hồ, nhà hàng Thanh Thủy màu tím Huế. Tôi lại chợt nhớ ngôi nhà văn, để biết rằng, chỉ mở cửa duy nhất cho những bà Điềm Phùng Thị làm nên một thứ nghệ thuật điêu khắc đáng tôn quý, mở cửa cho những chân dung người nữ Lê Khắc Thanh Hoài, những ca sĩ Hà Thanh, những nữ sĩ Túy Hồng. Rồi đóng cửa.
Đỗ Tư Nghĩa vẫn ở Đà Lạt, tôi vẫn về Đà Lạt, thây kệ những thứ khỉ tiều hôm nay. Cái xã hội nhà nước hôm nay tạo ra vô số chuồng khỉ. Chúng tôi bảo nhau cố giữ cho mình đừng giống những con khỉ chính hiệu, dù phải ở trong chuồng khỉ. Họ cũng sức mấy triệt tiêu được một Đà Lạt có lịch sử đã trên một thế kỷ rồi. Mặc dù những đường phố núi uốn lượn mơ màng đã tràn ngập làn sóng văn minh xe gắn máy, chúng điên cuồng lấn lướt, chúng điên cuồng xô đẩy. Ông chủ quán cà phê Tùng đặc trưng Đà Lạt từ nửa thế kỷ qua, lên khỏi bậc cấp chợ Đà Lạt, bị chiếc xe gắn máy lao trên đường cướp đi bó hoa trên tay cùng sinh mạng. Mặc dù những sở hữu chủ mới của nhà cửa quán tiệm nhà nghỉ khách sạn những hộp cao tầng rất thực dụng xuẩn ngốc vô cảm vô tâm, nhà phố cũ Đà Lạt vẫn giấy rách giữ lấy lề. Chúng tôi biết, bà chủ quán cà phê Tùng nhất quyết giữ nguyên trạng quán cà phê linh hồn Đà Lạt.
Đà Lạt vẫn còn những khoảng vắng lặng để thành phố im lìm thức, ơ hờ ngủ. Đỗ Tư Nghĩa miệt mài gõ phím máy vi tính, tiếng lách cách vang vọng căn nhà gỗ, anh ở trọ, một mình. Một bản dịch nghiêm chỉnh, một cuốn tự truyện Osho. Cuộc đời của luận sư Rajneesh Chandra. Cuốn sách ra đời vào đúng năm anh sáu mươi tuổi, đối với Đỗ Tư Nghĩa, thế là quá đủ. Những vụ việc lươn lẹo, hành xử của bọn con buôn đã có từ thuở nào. Saroyan bảo, cái khả năng, động lực quơ tiền bạc vào túi luôn là điều rắc rối, đáng kinh tởm. Đỗ Tư Nghĩa đã không một lời lên tiếng đòi một con buôn trả mình một xu nhuận bút thù lao dịch thuật cuốn sách để đời. Anh lặng lẽ, co ro đi trên những nẻo phố mù sương giá băng Đà Lạt. Anh im lìm thức, ơ hờ ngủ cùng Đà Lạt. Anh không mảy may bận tâm tới bọn chúng, những con buôn, những nhà cầm quyền, những kẻ làm chính trị, những cán bộ văn nghệ, tất cả bọn chúng.
Chúng tôi chui vào căn nhà gỗ, uống rượu vang sản xuất tại Đà Lạt. Chúng tôi hỏi nhau, nếu Đà Lạt không có Phạm Công Thiện, Lê Trung Trang, Nguyễn Mùi đã từng sống ở đây, nếu không còn những đãng tử, những chàng gan dạ, liều lĩnh, những nhà văn nhà thơ họa sĩ đích thực sống ở đây, nếu không có họ, Đà Lạt sẽ ra sao nhỉ?
Nhưng Đà Lạt đã có một lịch sử ấy, Đà Lạt sẽ mãi mãi là Đà Lạt...
NGUYỄN ĐẠT